Khách hàng chuộng hàng ngoại hay hàng Việt? P9
Giỏ hàng 0

Chương II: Nguồn vốn - Khách hàng chuộng hàng ngoại hay hàng Việt? P9

Ngày đăng: 02:15 PM 02/04/2021 - Lượt xem: 730

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã bước sang tuổi thứ 11 với nhiều thách thức cũng như kỳ vọng đến từ nhà quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nên chăng cần một diện mạo mới, tích cực và chủ động hơn.

 

Sau 11 năm triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì có thể xem đây là một trong những phong trào nhận được sự quan tâm mạnh mẽ nhất của cả hệ thống chính trị và hàng chục triệu người tiêu dùng Việt.

 

 

Cuộc vận động đã tạo ra những kết quả tích cực như thế nào đối với sản xuất và tiêu dùng trong nước? Đâu là những bất cập còn tồn tại cũng như các giải pháp khắc phục là gì? Và cần làm gì để người Việt thực sự tin dùng hàng Việt?

 

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với mục đích vận động mọi tổ chức, cá nhân người Việt Nam dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam thay vì sử dụng hàng nhập khẩu từ nước ngoài có chất lượng, giá cả, công dụng sản phẩm tương đương; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

 

 

Có thể khẳng định rằng, sau 11 năm triển khai cuộc vận động thì hàng hóa Việt Nam đã dần chiếm lĩnh được thị trường và chinh phục được người tiêu dùng trong nước. Không chỉ vậy còn là đòn bẩy hiệu quả giúp không ít doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

 

Là một trong những doanh nghiệp tham gia cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đầu tiên và liên tục trong 11 năm qua, Tổng công ty May 10 đã tận dụng tốt cơ hội này để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ bán hàng, để có được một chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng Việt.

 

Theo thống kê từ Bộ Công Thương thì tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và cả chợ truyền thống đều tăng cao trong nhiều năm trở lại đây, duy trì từ mức 60% trở lên.

Cuộc vận động đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt, đồng thời, khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế. Mặc dù vậy, cuộc vận động đang đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi cần có sự thay đổi để phù hợp với điều kiện mới.

 

Rõ ràng sự thay đổi là cần thiết để cuộc vận động có thể đi vào thực chất và nhận được sự ủng hộ nhiều hơn nữa từ phía người tiêu dùng Việt. Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý cũng như có những giải pháp kịp thời để tham mưu với Chính Phủ để tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xúc tiến thương mại cũng như nâng cao sức mạnh thương hiệu Việt.

 

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định rằng Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đây không đơn thuần là một cuộc vận động, một phong trào mà đó còn là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự tham gia tích cực và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

 

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được 11 năm với nhiều hiệu ứng tích cực trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa Việt. Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng cuộc vận động đã đang và sẽ còn đứng trước những thách thức không nhỏ về chính sách, môi trường kinh doanh, tư duy doanh nghiệp, cách thức tiếp cận thị trường…tất cả hướng đến mục tiêu “Làm sao để người Việt tin dùng hàng Việt?”. 

 

Cần khẳng định rằng sau 11 năm triển khai, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó đáng kể nhất là làm thay đổi tư duy của người tiêu dùng trong nước và tư duy của các nhà sản xuất nội địa.

 

Từ cuộc vận động này, đã có rất nhiều thương hiệu Việt cất cánh và nhận được sự tin tưởng từ phía người tiêu dùng trong nước như Biti’s, Việt Tiến, trứng gà Ba Huân, sơ mi May 10, Vinamilk, nho Ninh Thuận, nước mắm Phú Quốc…Hàng Việt đang chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống hàng chục ngàn siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi và hàng trăm trung tâm thương mại trên cả nước.

 

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng vẫn còn nhiều rào cản khiến cho hàng Việt chưa thực sự đến tay người tiêu dùng Việt. Đó là việc nước ta tham gia các hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hướng đến một nền kinh tế mở sẽ là thử thách không nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước khi phải cạnh tranh khốc liệt với những ông lớn quốc tế.

 

Ngoài ra là những bất cập trong chính sách điều hành, quản lý thị trường còn lỏng lẻo, tình trạng hàng giả hàng nhái tràn lan, nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào số lượng mà thiếu quan tâm đến chất lượng sản phẩm…

 

Vì vậy, để Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thực sự có chiều sâu và đi vào thực chất trong thời gian tới thì Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường nội địa, thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng tốt hơn, nhất là những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung đông dân cư.

 

 

Mặt khác, Bộ Công thương cũng cần chủ động tham mưu với Chính Phủ để tháo gỡ bất cập, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng như đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hàng hóa sản xuất trong nước.

 

Đối với các doanh nghiệp cần chuyển dần các hoạt động đi vào chiều sâu, không dừng lại ở phong trào, bề nổi mà phải có các giải pháp bền vững, lâu dài. Để cạnh tranh, doanh nghiệp phải nhanh chóng cắt giảm các khoản chi phí bất hợp lý, giảm giá thành để hạ giá bán hàng hóa sản xuất trong nước bằng hoặc thấp hơn hàng nhập khẩu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

 

Ngoài ra, không thể bỏ qua việc cải thiện mẫu mã bao bì, nhạy bén nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng để đưa ra sản phẩm đáp ứng về chất lượng, thuyết phục khách hàng bằng chính ưu thế sản phẩm cũng như dịch vụ trước trong và sau khi bán hàng của mình. Đồng thời cần có tư duy kinh doanh chiến lược thay cho tư duy kinh doanh “chộp giật”, nhỏ lẻ. Nên đặt sự tin tưởng của khách hàng làm nền tảng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh chạy theo lợi nhuận trước mắt.

 

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã bước sang tuổi thứ 11 với nhiều thách thức cũng như kỳ vọng đến từ nhà quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

 

Nên chăng cần một diện mạo mới, tích cực và chủ động hơn. Đã đến lúc hàng Việt không chỉ dừng ở mức “được ưu tiên” chọn lựa, mà cần đặt mục tiêu “phải chinh phục” được người tiêu dùng Việt. Chỉ có vậy mới có thể nâng tầm chất lượng hàng hóa Việt cũng như tạo ra vị thế mới cho chuỗi sản xuất phân phối hàng việt với nhiều giá trị gia tăng.

Facebook