Đua tranh "mỏ vàng" thương mại điện tử trong năm 2
Giỏ hàng 0

Đua tranh "mỏ vàng" thương mại điện tử trong năm 2019

Ngày đăng: 07:20 PM 28/01/2019 - Lượt xem: 1217

Mới đây nhất, Amazon của tỷ phú Jeff Bezos (Mỹ) đã bắt tay với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) hỗ trợ các nhà bán lẻ với chương trình bán hàng trên Amazon Global Selling. Hai bên sẽ tổ chức những lớp hướng dẫn nâng cao, hỗ trợ trực tuyến doanh nghiệp trong 6 tháng để có thể đưa hàng lên kệ của Amazon.

Doanh thu lọt top 6 toàn cầu

Động thái này được đồn đoán có thể là khởi đầu cho những bước đi tiếp theo của Amazon trong tìm hiểu thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, phía Amazon chưa xác nhận có chính thức gia nhập thị trường Việt Nam hay không nhưng đây cũng là tín hiệu khiến thị trường đón đợi. 

Trên thực tế, sự tăng trưởng vượt bậc của thương mại điện tử Việt Nam đang đưa thị trường này trở thành “miếng bánh” hấp dẫn, tập trung sự đầu tư của nhiều “ông lớn” trong ngành. Cụ thể, năm 2018 chứng kiến sự bùng nổ trong thương mại điện tử Việt Nam với những con số ấn tượng.

Theo Statista, tổng doanh thu của các công ty thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 2,26 tỷ USD, tăng gần 30% so với năm 2017. Với kết quả đó, Việt Nam vươn lên top 6 trong 10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Trên thị trường này, Việt Nam chỉ xếp sau những “ông lớn” như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nhật Bản và Đức.

Cũng theo Statista, tổng lượng người mua hàng trên các sàn thương mại điện tử trong năm 2018 đạt 49,8 triệu người. Dự kiến, con số này tăng lên 51,1 triệu người vào năm 2019.

Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Cùng với đó, thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến có xu hướng tăng dần đều ở mức trên 20%/ năm. 

Cũng theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nếu chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng doanh thu sẽ tăng gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%. Bởi vậy mà cuộc đua của các doanh nghiệp thương mại điện tử được cho là sẽ ngày càng khốc liệt để giành lấy thị phần hấp dẫn này.

Việt Nam vươn lên top 6 trong 10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới

Cuộc đua “nội-ngoại” 

Theo phân tích của giới chuyên gia, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã phân hóa mạnh mẽ với nhóm dẫn dắt thị trường là Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Adayroi… và đã định hình lối đi riêng.

Đáng nói hơn là sự cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp nội và ngoại. Đơn cử, Alibaba của tỷ phú Jackma đã vào thị trường Việt Nam thâu tóm Lazada và liên tục rót vốn để phát triển. Hiện Lazada có khoảng hơn 155.000 nhà bán hàng, 3.000 thương hiệu, là một trong ba trang thương mại điện tử được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam.

Cùng với đó, đằng sau sự phát triển nóng của Shopee tại Việt Nam là Tencent - gã khổng lồ công nghệ. Nhờ đó, Shopee đã nhanh chóng vươn lên là một trong số ít trang thương mại điện tử hàng đầu tại thị trường 90 triệu dân. Tencent, tập đoàn công nghệ của tỷ phú Ma Huateng hiện là cổ đông lớn nhất của SEA Ltd, đơn vị sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee với 39,7% cổ phần.

Trong khi đó, trong nước, Adayroi của Tập đoàn Vingroup, Sendo của Tập đoàn FPT, VNG tiếp tục rót vốn vào Tiki… cho thấy các doanh nghiệp Việt cũng không ngừng gia tăng năng lực để cạnh tranh với ông lớn ngoại cùng phân chia lại miếng bánh thị phần của thị trường thương mại điện tử. Cụ thể, Tiki đạt lượng tăng trưởng về truy cập website lên đến hơn 80% chỉ sau 6 tháng cuối năm 2018 và hiện đã chính thức vươn lên vị trí thứ hai toàn quốc.

Tương tự, Sendo cũng tăng trưởng đến hơn 55% về lượng truy cập website. Hai sàn này cùng Thegioididong mới đây vinh dự góp mặt trong Top 10 công ty thương mại điện tử Đông Nam Á do iPrice thống kê. 

Sự sôi động của thị trường này cộng với đà tăng trưởng đến 43% từ nay đến 2025 theo nghiên cứu của Google và Temasek, cho thấy 2019 sẽ tiếp tục là một năm sôi động cho toàn ngành thương mại điện tử Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, dù có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng quy mô giao dịch thương mại điện tử của Việt Nam còn rất thấp so với các quốc gia khác. Tỷ trọng giao dịch thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ còn quá thấp so với trung bình thế giới và khu vực.
Trong khi đó, Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ và thuộc nhóm có mức độ truy cập internet thường xuyên cao hơn các nước khác. Đây là cơ sở để thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, thương mại điện tử tại khu vực nông thôn sẽ là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong giai đoạn tới.
Hơn nữa, việc phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới cũng mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Do đó, để chạy đua trong cuộc chiến giành thị phần này, ông Jeremy Chew, chuyên viên về thị trường TMĐT Đông Nam Á của iPrice cho rằng, với mỗi doanh nghiệp kiến thức về thị trường nội địa là rất quan trọng.

“Các công ty thương mại điện tử luôn phải hiểu rõ nhu cầu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng ở từng quốc gia và đó chính là một lợi thế của các sàn nội địa như Tiki và Sendo. Vì vậy, một khi các công ty Việt Nam tiếp cận được các nguồn tài chính tốt thì họ sẽ hoàn toàn có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các đại gia ngoại như Lazada và Shopee”, ông Jeremy Chew nói.

 

 

 

 

PÔNG!!

Facebook