Hạ tầng an toàn an ninh thông tin thương mại điện tử còn nhi
Giỏ hàng 0

Hạ tầng an toàn an ninh thông tin thương mại điện tử còn nhiều hạn chế

Ngày đăng: 10:45 PM 20/11/2018 - Lượt xem: 1230

Theo Bộ Công Thương, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với tên gọi cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ Internet vạn vật, Trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo (VR), điện toán đám mây, dữ liệu lớn... để chuyển hóa thế giới thực thành thế giới số, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế số, thương mại điện tử.

 Cách mạng công nghiệp 4.0 được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số, đặc trưng bởi Internet ngày càng phổ biến và di động bởi các cảm biến nhỏ và mạnh mẽ hơn với giá thành rẻ hơn, bởi trí tuệ nhân tạo và học máy (machine learning).

Các công nghệ số với phần cứng máy tính, phần mềm và hệ thống mạng đang trở nên ngày càng phức tạp hơn, được tích hợp nhiều hơn và vì vậy đang làm biến đổi xã hội và nền kinh tế toàn cầu.

Cùng với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số là yếu tố quan trọng tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội và cơ cấu của nền kinh tế. Thương mại dần được toàn cầu hóa; công nghệ cao và các mô hình kinh doanh mới ngày càng phát triển.

Thị trường thương mại điện tử vì thế cũng được mở rộng, mô hình thương mại điện tử ngày càng đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số nói chung cũng như thương mại điện tử nói riêng.

Nhờ vào sự phát triển của công nghệ, các sản phẩm và dịch vụ được tạo ra dựa trên phân tích và tổng hợp dữ liệu về nhu cầu người tiêu dùng đòi hỏi phải có sự đồng bộ liên kết và trao đổi dữ liệu.Sự xuất hiện của các nền tảng toàn cầu, trong một thế giới phẳng và các mô hình kinh doanh mới sẽ dẫn tới hình thức tổ chức và văn hoá phát triển của các doanh nghiệp cũng sẽ phải được xem xét lại.

Thống kê của eMarketer – Công ty Nghiên cứu thị trường của Hoa Kỳ (tháng 8/2016) cho thấy, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) toàn cầu năm 2016 ước tính đạt 1.915 tỷ USD với mức tăng trưởng là 23.7%.

Đối với thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam, kết quả khảo sát của Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công thương) năm 2016 cho thấy, giá trị mua hàng trực tuyến của một người đạt 170 USD, doanh số thương mại điện tử B2C đạt khoảng 5 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước đó, chiếm khoảng 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tỷ trọng của thương mại điện tử trong tổng doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam khoảng 2,8% đang là con số khá khiêm tốn so với mức trung bình của cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với 12,1%.

Các số liệu thống kê cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam dù đã bắt nhịp xu hướng thương mại điện tử mới của thế giới, phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thói quen mua sắm hiện đại của người tiêu dùng trên môi trường mạng.Tuy nhiên, các hạ tầng cho kinh tế số, như hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng phân phối điện tử, hạ tầng nhân lực thương mại điện tử và CNTT, hạ tầng an toàn an ninh thông tin còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Theo báo cáo của Bộ Công an từng công bố, tại Việt Nam nhiều website, hệ thống mạng chưa được xây dựng theo một tiêu chuẩn thống nhất, thiếu sự kiểm định về an ninh thông tin, an ninh mạng; các phần mềm và thiết bị phần cứng tồn tại lỗ hổng bảo mật nhưng chưa được khắc phục kịp thời; tình trạng sử dụng phần mềm không có bản quyền còn phổ biến.

Nhiều tổ chức chưa có chính sách đảm bảo an ninh mạng hoàn chỉnh; chưa có hoặc có bộ phận chuyên trách về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay.

Một bộ phận lớn các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp thương mại điện tử còn chưa ý thức được hoặc chưa quan tâm thích đáng đến sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện đại.Do đó, để tiếp cận với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần sự đầu tư lớn về nguồn vốn, công nghệ và nhân lực.

 

 

 

 

 

PÔNG!!

Facebook