Tăng cường quản lý thuế đối với thương mại điện tử
Giỏ hàng 0

Tăng cường quản lý thuế đối với thương mại điện tử

Ngày đăng: 01:32 AM 25/01/2019 - Lượt xem: 1144

Kênh thu tiền khủng

Ông Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, kinh doanh thương mại điện tử là một lĩnh vực kinh doanh mới đặc thù gắn với công nghệ thông tin, mạng Internet và các hình thức thanh toán phi truyền thống. Do vậy việc thu thập thông tin người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử có nhiều đặc thù, khó khăn hơn so với người nộp thuế kinh doanh truyền thống. Hiện nay các trang mạng xã hội như facebook, instagram… đang trở thành một kênh kinh doanh tạo ra nguồn thu nhập cho không ít người.

Trong khi đó theo quy định của Luật Quản lý thuế, đã kinh doanh, dù bất kỳ hình thức nào cũng thuộc đối tượng phải kê khai, nộp thuế. Nếu không thu, ngoài thất thu ngân sách, còn tạo ra sự bất bình đẳng khi những doanh nghiệp (DN) bán hàng qua mạng giảm được chi phí lớn, tạo lợi thế cạnh tranh về giá không lành mạnh với các DN khác.

Luật sư Nguyễn Văn Quỳnh - Công ty Luật TNHH Phước & Các cộng sự cho hay, mạng xã hội được sử dụng để kinh doanh, giao dịch nhiều nhất hiện nay là facebook lại không thuộc đối tượng mạng xã hội mà pháp luật Việt Nam có thể điều chỉnh. Nguyên nhân là vì facebook không có bất kỳ hình thức hiện diện thương mại nào tại Việt Nam. Do đó, cơ quan quản lý trong nước chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu facebook cung cấp thông tin của người bán hàng trên nền tảng này.

Hiện nay, các chính sách thuế đối với thương mại điện tử hay các DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử chịu sự điều chỉnh của các luật như: Thuế Thu nhập DN, Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập cá nhân và một số nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Nhưng thực tế, chính sách về thuế trong quy định thương mại điện tử vẫn còn nhiều vướng mắc.

Theo Tổng cục Thuế, việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử mới dừng ở các biện pháp trước mắt, theo từng vụ việc chứ chưa có chiến lược tổng thể, lâu dài. Việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử vẫn gặp khó khăn xuất phát từ đặc trưng vốn có của nền kinh tế số, cũng như các các chính sách chưa được hoàn thiện.

Tăng cường quản lý thuế đối với thương mại điện tử

Rà soát các cá nhân, tổ chức kinh doanh online

Tại hội nghị tổng kết của ngành Thuế, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng ngành Thuế cần tăng cường quản lý thuế đối với các hộ cá nhân kinh doanh và đặc biệt là thương mại điện tử. Trong thương mại điện tử, facebook chỉ là một phần, ngoài ra còn có Agoda, booking.com, hoặc những trò chơi điện tử trực tuyến…Làm thế nào để kiểm soát được kinh doanh và doanh thu là vấn đề cơ quan thuế phải xem xét.

Theo Hội tư vấn Thuế Việt Nam, để kiểm soát được vấn đề này, trước hết phải rà soát trên cả nước hiện có bao nhiêu tổ chức và cá nhân thực hiện kinh doanh online thông qua các trang mạng xã hội, kể cả chương trình quảng cáo trên truyền hình? Khâu đầu tiên là phải đăng ký. 

Theo bà Cúc, phần tiền mặt từ việc bán hàng có doanh thu không nhiều, doanh thu lớn nhất của các kênh bán hàng trên facebook chủ yếu qua giao dịch hệ thống ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng thương mại, điện tử phải kết nối số liệu doanh thu với các ngân hàng đó. Phía các ngân hàng phải có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu. Khi ngành Thuế nắm được luồng tiền, luồng hàng thì mới kiểm soát được.

Theo Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cơ quan thuế đang thực hiện nhiều biện pháp để thu hồi số tiền thuế đã thất thoát nhưng lại vướng về vấn đề pháp lý. Việt Nam đang bị mất 2 nguồn thuế. Thứ nhất là những người bán hàng online trên facebook nhưng không kê khai nộp thuế. Thứ hai là số tiền facebook nhận được từ các cá nhân, tổ chức tham gia quảng cáo tại Việt Nam nhưng lại không nộp thuế nhà thầu.

Bộ Tài chính đã từng có yêu cầu Tổng cục Thuế và cơ quan thuế các cấp cần đẩy nhanh tiến độ triển khai, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế. Trong đó, bố trí đầy đủ lực lượng cho công tác thanh tra, kiểm tra các DN thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, DN có hoạt động liên kết, DN lỗ có dấu hiệu chuyển giá; các DN kinh doanh thương mại điện tử, các DN có phát sinh thuế nhà thầu, các hoạt động chuyển nhượng vốn...  

 

 

 

 

PÔNG!!

Facebook