Thương mại điện tử Việt Nam: Sôi động và nhiều sức ép
Giỏ hàng 0

Thương mại điện tử Việt Nam: Sôi động và nhiều sức ép

Ngày đăng: 12:30 AM 26/12/2018 - Lượt xem: 1112

Một năm sôi động của ngành thương mại điện tử Việt Nam đã qua đi, với mức dự báo doanh số bán lẻ (B2C) vào khoảng 6 tỷ đô la Mỹ. Thế nhưng, điều đáng chú ý là sự mở rộng của các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường nội địa, song song cùng những bước đi khó khăn của doanh nghiệp trong nước.

Không còn trong thế giằng co như hằng năm, nhóm doanh nghiệp thương mại điện tử bán lẻ, theo mô hình chợ trực tuyến (Marketplace) nước ngoài đang ngày càng lấn lướt nhóm doanh nghiệp nội địa bằng cách tạo ra các rào cản về chi phí rất tốn kém.

Phô trương sức mạnh

Mùa mua sắm cuối năm là dịp các công ty thương mại điện tử cạnh tranh thu hút người sử dụng và nhóm doanh nghiệp nước ngoài đã tận dụng một cách hữu hiệu thời điểm này để phô diễn tiềm lực tài chính của mình. Vẫn như mọi năm, Lazada Việt Nam - doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Alibaba - là đơn vị kích hoạt mùa mua sắm cuối năm.

Với mục tiêu tăng gấp 5 lần doanh thu so với ngày thường, Lazada Việt Nam đem tới 150.000 mặt hàng khuyến mãi từ ngày 9 - 11/11. Sau đó, Hãng tiếp tục tổ chức sự kiện mang tên “Cách mạng mua sắm trực tuyến” vào ngày 12/12. Đây là ngày giảm giá lớn nhất năm của Lazada với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tất cả các đơn hàng đều được giao miễn phí trong ngày này.

Shopee - một đối thủ lớn của Lazada đến từ Singapore - cũng tung ra chiến dịch có tên Super Sale để cạnh tranh với chương trình cách mạng mua sắm của Lazada. Từ ngày 12 - 14/12, ở Shopee có hàng trăm mã hàng giảm giá Flash Sale, đi cùng đó là mức giảm giá bổ sung cho các chủ thẻ ngân hàng, từ 10 - 20% giá trị đơn hàng.

Trong khi đó, nhà bán lẻ trực tuyến hàng thời trang Zalora cũng tung ra chương trình Online Fever trên toàn khu vực Đông Nam Á. Sau khi Zalora Việt Nam được Central Group (Thái Lan) mua lại, đơn vị này vẫn tiếp tục triển khai chương trình giảm giá này trong 4 ngày, 12 - 15/12. Tâm điểm của sự kiện là ngày 12/12 với hàng ngàn mặt hàng thời trang, phụ kiện được giảm giá.

Không chịu kém cạnh, 2 doanh nghiệp trong nước là Adayroi và Tiki cũng chọn dịp 12/12 cho sự kiện giảm giá lớn của mình. Chương trình khuyến mãi của Adayroi kéo dài từ ngày 12 - 14/12, ngoài các mặt hàng được giảm giá tỷ lệ cao còn có chương trình hoàn tiền thêm 25% cho các đơn hàng thanh toán trực tuyến.

Còn tại Tiki, các chương trình khuyến mãi kéo dài từ ngày 12 - 15/12.

Để chuẩn bị cho mùa mua sắm rộn ràng nhất trong năm, Lazada Việt Nam đã đưa thêm 4 trung tâm xử lý đơn đặt hàng mới vào hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng “nghẽn” đơn hàng như những năm trước. Nhưng điểm đặc biệt trong năm nay là lần đầu tiên, Lazada Việt Nam đưa ra chương trình giảm 50% chiết khấu cho người bán hàng trên nền tảng này. Chương trình cũng không công bố thời hạn ngừng áp dụng.

Động thái hỗ trợ giao hàng và giảm chiết khấu của Lazada Việt Nam là nhằm đối phó với sự lớn mạnh của Shopee Việt Nam. Dù mới gia nhập thị trường được 2 năm nhưng Shopee Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng với nhiều chính sách hỗ trợ người bán và người mua.

Trước đây, Shopee Việt Nam là nền tảng C2C (khách hàng với khách hàng) thì nay họ đã mở thêm dịch vụ Shopee Mall để thu hút nhóm doanh nghiệp có thương hiệu. Mùa khuyến mãi cuối năm 2017 này, Shopee Việt Nam tham gia với hơn 100.000 sản phẩm, kỳ vọng tăng gấp 5 lần doanh số bán hàng so với ngày thường.

Lợi thế của “người chơi” có vốn lớn

Có thể nói, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang bị tác động mạnh mẽ bởi các doanh nghiệp ngoài nước trường vốn. Trong mô hình phân tích doanh nghiệp SWOT có nhắc đến một yếu tố là sự thách thức gia nhập ngành, mà cuộc đua giành thị trường giữa Lazada Việt Nam và Shopee Việt Nam đang tạo ra một rào cản quá lớn cho nhóm doanh nghiệp trong nước.

Theo đó, nếu như Lazada Việt Nam tạo rào cản bằng chi phí đầu tư rất lớn vào các chiến dịch quảng cáo để thu hút người sử dụng thì Shopee Việt Nam lại chi tiêu nhiều cho dịch vụ hỗ trợ giao nhận và thu phí hộ. Mặc dù cả hai doanh nghiệp này không tiết lộ số tiền đầu tư cho các mảng quảng cáo lẫn giao hàng ở Việt Nam, nhưng các chuyên gia trong ngành thương mại điện tử có thể ước tính được.

Theo bản báo cáo mà Sea - công ty mẹ của Shopee- nộp lên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ), trong 3 tháng đầu năm nay, trung bình một ngày Shopee có 30.000 đơn hàng ở Việt Nam. Cứ mỗi đơn hàng Shopee Việt Nam hỗ trợ 50.000 đồng phí giao hàng và 30.000 đồng phí thu hộ. Không phải đơn hàng nào cũng đạt điều kiện để được Shopee hỗ trợ, nhưng chỉ cần 50% số đơn hàng nói trên đạt tiêu chuẩn thì chi phí hỗ trợ của Shopee đã lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi ngày.

Như vậy, để đủ sức cạnh tranh và tồn tại, nhóm doanh nghiệp trong nước cần sự tiếp sức từ các nhà đầu tư nước ngoài nhưng chính các rào cản về chi phí mà Shopee Việt Nam và Lazada Việt Nam tạo ra cũng khiến không ít nhà đầu tư phải chùn tay.

Chiếc “chìa khóa” đi đến thành công

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì có khả năng doanh thu sẽ tăng gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%.

Dẫn chứng những xu hướng hiện nay, bà Lại Việt Anh - Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, thuộc Bộ Công Thương nói rằng, một trong những chiếc “chìa khóa” để tăng trưởng xuất khẩu trong thời đại công nghệ số hiện nay chính là thương mại điện tử.

Bà Việt Anh cho biết nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ nhưng đã tận dụng hữu hiệu mạng xã hội Facebook và thương mại điện tử để bán hàng đi nhiều quốc gia, giúp họ giảm bớt khâu trung gian và giảm nhiều chi phí, từ đó đem hàng hóa trực tiếp đến tay người tiêu dùng và đạt lợi nhuận cao nhất.

Số liệu thống kê trên sàn Alibaba cho thấy có 10 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn thế giới tham gia và khoảng 70% tìm được cơ hội tại sàn này, trong khi Facebook có 50 triệu doanh nghiệp tham gia. Từ đó, bà Việt Anh cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có ưu thế hơn doanh nghiệp lớn trong việc tổ chức lại mô hình kinh doanh của mình dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Trên thị trường hiện có nhiều gói giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược kinh doanh của mình.

Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho thấy có 55% số doanh nghiệp cho biết doanh thu từ kênh bán hàng trực tuyến B2B tăng hơn 10% trong năm 2016 và có 22% số doanh nghiệp có hơn 40% lượng khách hàng chọn phương thức đặt hàng trực tuyến.

 

 

 

 

PÔNG!!

Facebook