Ưu và nhược điểm của những sàn TMĐT tại VN P3
Giỏ hàng 0

CHƯƠNG III: SÀN THƯƠNG MAI - Ưu và nhược điểm của những sàn TMĐT tại VN P3

Ngày đăng: 04:31 PM 19/05/2021 - Lượt xem: 941

6. Nên chọn sàn thương mại điện tử nào cho sản phẩm của bạn?

Đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử khiến nhiều người kinh doanh cảm thấy yên tâm hơn là bơ vơ tự chạy bên ngoài. Nhưng giữa những gương mặt khả ái như Shopee, Sen Đỏ, Tiki, Lazada,… bạn biết giao sản phẩm của mình cho ai đây?

 

Để biết thêm ưu điểm nổi bật cũng như nhược điểm của từng sàn, hãy đọc tiếp phần dưới đây nhé.

1. SHOPEE

Shopee trực thuộc tập đoàn SEA. Ứng dụng này hiện đã tung hoành ở 7 quốc gia châu Á, định hướng là sàn thương mại điện tử phát triển trên thiết bị di động. Tuy tuổi đời còn trẻ (ra mắt năm 2015) nhưng Shopee đã khiến cho mọi đối thủ phải dè chừng.

 

Bạn cứ tưởng tượng thế này cho dễ. Nếu các trang như Tiki, Lazada… là những siêu thị, những trung tâm thương mại thì Shopee chính là một cái chợ bình dân. Muốn biết vì sao thì hãy đọc tiếp phần sau đây.

 

Ngành hàng thế mạnh

Thời trang, nhà cửa đời sống, sức khỏe sắc đẹp, điện tử…

Ưu điểm

  • Đơn giản từ thủ tục đăng ký, quy trình bán hàng, sản phẩm không cần qua kiếm duyệt khắt khe, vì bình dân mà.
  • Mở gian hàng, đăng sản phẩm miễn phí
  • Phí thanh toán tương đối thấp 2%
  • Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phí vận chuyển, liên kết với các nhà vận chuyển lớn, thời gian giao hàng nhanh.
  • Nhiều khách hàng ghé thăm vì Shopee là trang có lượng truy cập web mỗi tháng cao nhất (trong quý 3/2019).
  • Tự tạo được mã giảm giá để kích thích khách mua hàng.
  • Gian hàng đông, mặt hàng cực kì đa dạng, đúng phương châm “gì cũng có”.

Nhược điểm

  • Cạnh tranh khốc liệt vì số lượng gian hàng trên shopee siêu đông, đặc biệt là cạnh tranh về giá vì shopee không quản lý về tình trạng bán phá giá.
  • Độ tin cậy của khách hàng không cao vì Shopee không đứng ra kiểm tra và bảo đảm chất lượng hàng hóa, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không hề hiếm gặp.
  • Điều kiện trợ phí vận chuyển chỉ áp dụng với đơn hàng trên 200.000đ. Các shop bán đồ có giá trị thấp khó đáp ứng được.

2. LAZADA

Lazada thuộc tập đoàn Alibaba đình đám, lắm tiền nhiều của, nên được xem là một ứng viên có “máu mặt”. Lazada có mạng lưới rộng khắp Đông Nam Á và bước chân vào Việt Nam từ năm 2013.

Ngành hàng thế mạnh

Điện tử, thời trang, sức khỏe làm đẹp, hàng gia dụng, thực phẩm, thể thao, du lịch…

 

Ưu điểm

  • Hoa hồng hấp dẫn cho người bán, trong đó sản phẩm thời trang là 10%, sản phẩm điện tử là 5% và sản phẩm khác là 8%.
  • Bán hàng trên Lazada không mất phí, bạn chỉ phải trả phí nếu sử dụng các dịch vụ hỗ trợ.
  • Tạo được niềm tin cho khách hàng bởi chính sách của Lazada tập trung bảo vệ người tiêu dùng.
  • Được đào tạo miễn phí bằng chương trình online.
  • Cá nhân, hộ kinh doanh cũng có thể mỡ gian hàng, không nhất thiết phải là doanh nghiệp.
  • Có thể đồng bộ dữ liệu phục vụ việc bán hàng đa kênh.

Nhược điểm

  • Thủ tục đăng ký khá phức tạp, bạn phải hoàn thành khóa đào tạo online rồi mới được đi vào hoạt động.
  • Các chi phí như phí lấy hàng, phí FBL tương đối nặng.
  • Do chính sách tập trung vào người mua nên trong một số trường hợp, người bán cũng phải chịu thiệt thòi và bị thụ động.
  • Lazada thực hiện marketing cho toàn bộ sản phẩm trên diện rộng, không tùy chỉnh cho từng đối tượng cụ thể.

3. TIKI

Khác với 2 người bạn trên, Tiki là một thương hiệu do một người Việt Nam sáng lập và điều hành – ông Trần Ngọc Thái Sơn.

Xuất thân là một trang bán sách online ra mắt năm 2010, Tiki đã có những bước chuyển mình ngoạn mục, trở thành một trong những sàn thương mại điện tử hàng đầu hiện nay.

 

Ngành hàng thế mạnh

Sách, điện tử, nhà cửa đời sống, làm đẹp & sức khỏe, thiết bị văn phòng phẩm…

Ưu điểm

  • Độ tin cậy của người tiêu dùng cao, cứ muốn mua hàng đảm bảo, hàng chính hãng thì người ta nghĩ đến Tiki. Sản phẩm muốn đăng bán trên Tiki cần trải qua kiểm duyệt khắt khe, đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng và nằm trong danh mục hàng được lưu thông trên thị trường.
  • Cực phù hợp nếu bạn kinh doanh mặt hàng là sách khi khách hàng nghĩ đến mua sách là nghĩ đến Tiki. Chiết khấu cho sách cũng khá cao, khoảng 30-35%.
  • Chính sách giao hàng hấp dẫn. Freeship đối với đơn hàng trên 150.000đ tại TP.HCM và 250.000đ đối với các tỉnh thành khác.
  • Điểm nhấn là Tiki Now – dịch vụ giao hàng cấp tốc trong 2 giờ, tạo thuận lợi cho khách hàng.

Nhược điểm

  • Để đăng ký kinh doanh trên Tiki, bạn phải là doanh nghiệp. Như vậy, Tiki không có chỗ cho các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ.
  • Thủ tục mở gian hàng khó và phức tạp, yêu cầu nhiều loại giấy tờ.
  • Do “đầu vào” hẹp, trải qua nhiều khâu kiểm định gắt gao nên số lượng gian hàng “chen chân” được vào trong bị hạn chế, khiến cho mặt hàng chưa thực sự nhiều và đa dạng.
  • Người bán phải chịu một khoản phí cố định và phí hoa hồng.
  • Thời gian giao hàng dự kiến tương đối lâu, thường là 4-10 ngày (đối với giao hàng tiêu chuẩn) làm cho tỷ lệ khách hàng bỏ dở đơn hàng cao.

4. ADAYROI

Adayroi cũng là một cái tên không hề thua chị kém em. Chỉ cần nghe sàn thương mại điện tử này thuộc “dòng dõi” nhà Vingroup thì đủ biết bạn ấy cũng không phải dạng vừa đâu. Được Vingroup điều hành và “rót” tiền, hoạt động mua bán trên Adayroi khá sôi nổi, giữa doanh nghiệp với người dùng, thậm chí là doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Ngành hàng thế mạnh

Thực phẩm, ẩm thực, spa, dịch vụ, du lịch, sức khỏe, bảo hiểm…

Ưu điểm

  • Sản phẩm được kiểm duyệt bài bản về nguồn gốc, chất lượng, lại nằm dưới sự điều hành của tập đoàn Vingroup nên tạo được sự tin tưởng nơi khách hàng.
  • Người bán được hưởng mức hoa hồng cao, có thể lên đến 30%.
  • Có hệ thống giúp bạn quản lý đơn hàng, điểm tích lũy, mã giảm giá một cách dễ dàng, có thể xử lý đơn hàng ngay trên điện thoại.
  • Có thể sử dụng điểm thẻ VinID để giảm giá trực tiếp lên sản phẩm.

Nhược điểm

  • Chỉ doanh nghiệp mới có thể đăng ký mở cửa hàng.
  • Người bán có thể bị tính phí đối với một số mặt hàng, ngành hàng.
  • Adayroi tập trung đẩy hàng cho “gà nhà” – các công ty thành viên của họ, nên đôi khi các doanh nghiệp khác sẽ không tránh khỏi cảm giác “con ghẻ”.

5. SENDO

Sendo là trang mua sắm được bảo trợ bởi tập đoàn FPT. Ra mắt năm 2012, Sendo vốn là một dự án thương mại điện tử, sau đó 2 nằm, Công ty CP Công nghệ Sendo được thành lập. Đến nay, màu đỏ của Sendo đã phủ sóng hầu khắp các kênh marketing. Kho hàng “siêu to khổng lồ” với 29 ngành hàng và hơn 10 triệu sản phẩm. Hoạt động mua bán tấp nập mỗi ngày.

 

Ngành hàng thế mạnh

Du lịch, dịch vụ, thời trang, sức khỏe làm đẹp, điện tử…

Ưu điểm

  • Sendo được bảo trợ bởi FPT nên cũng có phần nào uy tín trong tâm trí khách hàng.
  • Mở gian hàng trên Sendo không mất phí.
  • Hệ thống và giao diện dễ sử dụng cho người bán.
  • Đặc biệt phát triển mảng thời trang.
  • Rút tiền đơn giản và tiện lợi bằng ví Senpay.

Nhược điểm

  • Người bán có thể mua sử dụng các gói quảng cáo, marketing của Sendo, nhưng nếu không dùng một cách thông minh có thể tốn tiền vô ích.
  • Tỷ lệ đơn ảo khá cao.
  • Hệ thống thường bị lỗi trong các event, các đợt khuyến mãi lớn.
  • Hệ thống vận chuyển không đa dạng, phí giao hàng cao, thời gian giao lâu, tỷ lệ hoàn hàng cao.

Sau khi đặt các đối thủ lên bàn cân thì đúng là mỗi sàn một vẻ mười phân vẹn mười. Quan trọng là biết sàn nào phù hợp với sản phẩm của bạn. Chẳng hạn như nếu muốn chen chân vào Tiki, doanh nghiệp của bạn cần đảm bảo về mặt giấy tờ, thủ tục, muốn không “chết chìm” trong hàng ngàn đối thủ ở Shopee, bạn phải có lợi thế về giá hoặc phải tạo được uy tín hơn những người bán khác…Chúc các bạn có thể chọn được sàn TMĐT phù hợp với mình để có sự nghiệp kinh doanh tốt nhất trong tương lại. Chào tạm biệt và hẹn gặp lại ở các bài viết sau.

Facebook