TMĐT làm thay đổi việc kinh doanh trên thế giới như thế nào?
Giỏ hàng 0

CHƯƠNG III: SÀN THƯƠNG MẠI - TMĐT làm thay đổi việc kinh doanh trên thế giới như thế nào? P2

Ngày đăng: 04:43 PM 02/06/2021 - Lượt xem: 957

Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử hiện đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia vì những đóng góp lớn cho tăng trưởng nền kinh tế.

2. Thương mại điện tử trong phát triển kinh tế tại Việt Nam

Thực trạng phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam

Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ

Năm 2019, thị trường TMĐT Việt Nam chia tay những “ông lớn” như: Adayroi hay Lotte.vn, nhưng không vì thế mà sức hút ở lĩnh vực này kém đi. Theo báo cáo eConomy SEA 2019 do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đầu năm 2020 đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%. Đáng chú ý, Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2019 được Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công Thương) phát hành cho thấy, tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam đang ở mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

 

 

 Đặc biệt, vai trò của TMĐT cũng trở nên quan trọng hơn khi tỷ trọng doanh thu từ TMĐT trên tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước năm 2019 đạt 4,2%, tăng 0,6% so với năm 2018. Số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT tăng vọt. Năm 2019, cả nước có 39,9 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, tăng 11,8% so với năm 2018 và tăng gần gấp đôi chỉ sau 3 năm. Giá trị mua sắm trực tuyến bình quân đầu người đạt 202 USD, tăng 8,6%. Trong số 10 sàn TMĐT có tổng số lượt truy cập website cao nhất tại thị trường Đông Nam Á 6 tháng đầu năm 2019, có tới 5 là của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam – gồm Tiki, Sendo, thegioididong, Điện Máy Xanh và FPT Shop.

 

Theo các chuyên gia, thị trường TMĐT Việt Nam đang diễn ra theo hai xu hướng. Một là, cuộc chơi dành cho các ông lớn TMĐT với những khoản đầu tư khổng lồ nhằm tranh giành thị phần; Hai là, sự xuất hiện ngày càng nhiều các ý tưởng khởi nghiệp với công nghệ đột phá cung cấp dịch vụ cho những DN đầu ngành. Theo Bảng xếp hạng các DN TMĐT hàng đầu tại Việt Nam do iPrice insights cập nhật vào ngày 03/3/2020 cho thấy, Shopee Việt Nam tiếp tục dẫn đầu trong cả năm 2019 về lượng truy cập website (đạt trung bình 38 triệu lượt/tháng). Theo sau lần lượt là Thegioididong với 28 triệu lượt/tháng, Sendo với 27,2 triệu lượt/tháng, Lazada với 27 triệu lượt/tháng và Tiki với 24,5 triệu lượt/tháng.

 

Cạnh tranh cao đối với dịch vụ giao hàng chặng cuối và hoàn tất đơn hàng

Cùng với tốc độ tăng trưởng cao của TMĐT, thời gian gần đây đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics, chuyển phát chặng cuối và hoàn tất đơn hàng. Ba yếu tố nổi bật của lĩnh vực này là đầu tư gia tăng mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ tiên tiến và cạnh tranh khốc liệt. Sự không hài lòng trong trải nghiệm giao hàng là một điều khá phổ biến đang diễn ra trong hoạt động TMĐT ở khu vực Đông Nam Á. Theo nghiên cứu của iPrice và Parcel Performance, có đến 34,1% người dùng TMĐT trong khu vực vẫn chưa hài lòng với chất lượng dịch vụ chuyển phát bưu kiện mà họ nhận được. Tại Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy, trung bình phải mất 5-6 ngày sản phẩm mới được chuyển phát đến tận tay người mua, tốc độ giao dịch chậm thứ hai trong khu vực.

 

Nhận thấy nhu cầu về tốc độ giao hàng nhanh chóng và kịp thời của người tiêu dùng là chính đáng, các công ty TMĐT hàng đầu tại Việt Nam đang chạy đua nước rút để cải thiện tốc độ giao hàng với nhiều chiến lược khác nhau để gia tăng trải nghiệm của khách hàng. Cạnh tranh giao nhận hàng hóa nhanh hay chậm trên thị trường ngày càng trở nên khắc nghiệt khi “người khổng lồ” DHL cam kết giao hàng trong ngày, Lazada mở dịch vụ hỏa tốc, Tiki với “tuyên ngôn” giao hàng trong vòng 2 giờ, Shopee “cam kết” giao hàng trong 4 giờ với dịch vụ Shopee Express.

 

 

Các sàn TMĐT Việt Nam trong vài năm trở lại đây liên tục đẩy mạnh hệ thống kho vận hậu cần nhằm tối ưu hiệu suất và chi phí. Chẳng hạn như: Tiki đã hợp tác với UniDepot, một nhà cung cấp dịch vụ hậu cần đang sở hữu 35.000 m2 không gian lưu kho trong nước, để chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng trong tương lai. Trong khi đó, Lazada mở các kho giao nhận tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bắc Ninh. LEL Express đã đưa trung tâm phân loại hàng hóa thứ 2 ở Hà Nội đi vào hoạt động với công suất khoảng 10.000 sản phẩm/giờ.

 

Theo khảo sát của Hiệp hội TMĐT cho thấy, hiện nay, Việt Nam có hơn 50 đơn vị giao hàng nhanh quy mô lớn nhỏ. Con số này đã tăng 10 lần trong vòng 5 năm qua. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là DN cung cấp dịch vụ chuyển phát được 61% các đơn vị bán hàng trực tuyến thuê, tiếp đó là Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) với tỷ lệ là 25%. Tỷ lệ tương ứng cho EMS, giao hàng nhanh và giao hàng tiết kiệm lần lượt là 5%, 1% và 1%. Các đơn vị chuyển phát khác chỉ chiếm 13%. Năm 2019 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của một số doanh nghiệp khởi nghiệp logistics như: Ninja Van, Ahamove, J&T Express, GrabExpress kết hợp với các sàn TMĐT khiến cho việc giao hàng được thực hiện nhanh chóng và nhận được phản hồi tích cực từ người mua hàng.

 

Mời các bạn xem tiếp phần sau tại đây.

Facebook