Sự phát triển của công nghệ thông tin và điện thoại di động, cùng sự dịch chuyển thế hệ tiêu dùng chủ lực, đã đặt ra đích đến mới cho những gã khổng lồ thương mại điện tử: xây dựng mô hình kinh doanh Online to Offline (O2O), nhằm mang lại trải nghiệm mua sắm trơn tru và hoàn thiện hơn cho khách hàng.
Thoạt nhìn, cả hai thị trường tiêu dùng lớn nhất nhì thế giới dường như đang hướng tới hai con đường khác biệt. Black Friday, Cyber Monday và ngày Lễ tạ ơn, ba dịp lễ mua sắm lớn nhất từng mang về tổng doanh thu 14,48 tỉ đô la Mỹ, đều đang tập trung vào khách hàng online, giữa bối cảnh các cửa hàng thực tại Mỹ đều đang "chết mòn". Trong khi đó, Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc, lại đầu tư hơn 8 tỉ đô la Mỹ vào các cửa hàng thực trong khoảng thời gian 2016-2018.
Đó là trên bề mặt. Thực chất, cả hai thị trường bán lẻ Trung Quốc và Mỹ đều hướng tới một mục tiêu chung: áp dụng mô hình kinh doanh Online to Offline (O2O), nhằm đáp ứng trơn tru mọi nhu cầu của thế hệ trẻ sành công nghệ, nhóm khách hàng chủ lực hiện tại, đồng thời đảm bảo một tương lai phát triển bền vững.
Sự trỗi dậy của điện thoại di động
3/4 thế hệ Millenials chia sẻ rằng họ thích mua sắm trên điện thoại hơn trên máy tính. Các nhà bán lẻ cùng các công ty công nghệ như Google và Apple đang bắt đầu quan tâm tới mối tương quan giữa doanh thu và lượt truy cập website. Đó là lý do số lượng các ứng dụng mua sắm trên điện thoại di động ra đời ngày một đông đảo, từ đó giúp quá trình mua sắm của khách hàng trở nên đơn giản và thuận tiện hơn.
Tại Trung Quốc, sự trỗi dậy của điện thoại đi động hết sức rõ ràng. Năm 2013, chỉ 21% doanh số của ngày Lễ độc thân đến từ mua bán thông qua điện thoại di động. Nhưng sau đó, con số này liên tiếp nhảy vọt: 42,6% năm 2014, 68% năm 2015, 82% năm 2016 và 90% năm 2017. Trong quãng thời gian bốn năm, doanh số bán hàng trong ngày Lễ độc thân nhanh chóng tăng gấp ba lần.
Trong khi đó, vào Cyber Monday tại Mỹ, mua sắm trên điện thoại di động cũng đóng góp 64% lượng truy cập các trang web bán hàng năm 2017, tăng 10% so với năm 2016. Xét về doanh số, doanh thu đến từ kênh bán hàng điện thoại di động chiếm 43% năm 2017, tăng khoảng 10% so với cùng kì năm ngoái.
Phát triển mô hình kinh doanh Online to Offline (O2O)
Những khách hàng trẻ thuộc thế hệ Millenials là những người rất nhạy với các dịp sales kích cầu. Thế nhưng dù có thể đang sải bước trong một cửa hàng bán lẻ ngoài đời thực, họ vẫn sẵn sàng săn lùng và so sánh giá cả trên mạng để tìm ra nơi bán giá tốt hơn. Như vậy bài toán đầu tiên đặt ra là đặt ra rào chắn ngay trên mạng và giữ chân khách hàng.
Amazon đã nhanh chóng tìm ra đường đi nước bước mới để giải bài toán trên. Năm 2017, gã khổng lồ công nghệ nhận được bằng sáng chế cho phát minh "Hệ thống kiểm soát mua hàng online tại cửa hàng thực". Hệ thống này sẽ dùng wifi để rà soát nội dung tìm kiếm trên điện thoại khách hàng trong khi họ mua sắm tại cửa hàng của Amazon, từ đó can thiệp vào quá trình mua sắm bằng cách đưa ra các gợi ý hay thông báo các chương trình giảm giá. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro khách hàng tìm kiếm các "món hời" từ website của các đối thủ cạnh tranh.
Không thua kém, Alibaba cũng đang hết sức hào hứng với việc phát triển mô hình kinh doanh O2O. Tại 13 siêu thị Hema Xiansheng, người mua hàng có thể dùng ứng dụng Hema để quét mã vạch sản phẩm để tìm kiếm thông tin sản phẩm hay để thanh toán. Đổi lại, ứng dụng này sẽ thu thập thông tin mua sắm của khách hàng để phụ vụ cho công tác marketing. Chuỗi siêu thị Hema cũng cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi sau khi khách hàng đã mua sắm tại cửa hàng.
Không như các thế hệ trước, Millenials rất kiên nhẫn đợi chờ các sản phẩm giảm giá. Ước tính thế hệ này chỉ "lỗ" khoảng 236 đô la Mỹ khi mua hàng. Điều này đồng nghĩa với việc họ ít khi mua hàng nguyên giá mà sẽ chờ đợi chúng giảm giá trong tương lai. Trong khi đó, thế hệ trước đó là Baby Boomers lại "mua hớ" những 413 đô la Mỹ, con số này của thế hệ X lên tới 585 đô la Mỹ.
Hiểu được tâm lý này, Alibaba sẵn sàng "trải ghế" trên mạng để khách hàng ngồi đợi giảm giá. Vào ngày lễ độc thân, ứng dụng mua sắm Tmall của Alibaba loại bỏ hạn mức số hàng khách có thể giữ trong giỏ. Người mua giờ đây có thể mua nhiều sản phẩm hơn trong cùng một giao dịch. Lúc cao điểm của ngày Lễ độc thân năm 2018, Alibaba đã từng xử lý 256.000 giao dịch trong một giây. Con số này giải thích cho doanh thu khổng lồ kênh bán hàng trên điện thoại di động mang lại.
PÔNG!!