Thương mại điện tử là “mảnh đất vàng” để các doanh nghiệp giao thương hàng hóa, quảng bá thương hiệu, tìm cơ hội đầu tư hiệu quả. Tuy nhiên, cùng với đó là tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng được rao bán trên các website mua bán trực tuyến, đang gia tăng nhanh chóng. Để góp phần nâng cao chất lượng của thương mại điện tử, các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ, nhằm hạn chế những biến tướng từ loại hình giao dịch này.
Rủi ro thuộc về người tiêu dùng
Không nằm ngoài xu hướng phát triển của thế giới, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng nhanh với hàng nghìn website mua bán trực tuyến ra đời mỗi năm, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, kết quả khảo sát 1.000 doanh nghiệp mới đây trên địa bàn cho thấy có 61% số doanh nghiệp đã ứng dụng kinh doanh trên các mạng xã hội vì cho rằng đây là xu hướng kinh doanh hiệu quả, tiện lợi, dễ ghi nhận phản hồi của khách hàng với mức chi phí thấp.
Ngoài ra, cuộc khảo sát này cũng đưa ra kết quả: 37% số doanh nghiệp cho biết doanh thu từ thương mại điện tử chiếm khoảng 30% tổng doanh thu của doanh nghiệp; 16% số doanh nghiệp đạt 50% doanh thu trên tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, sự phát triển nhanh của loại hình giao dịch này đã dẫn đến những biến tướng, nhất là đối với người tiêu dùng. Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên và ngày càng gia tăng, khiến cho nhiều người tiêu dùng dần mất niềm tin vào hình thức mua bán online.
Đây là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thương mại điện tử. Vì thế, dù có rất nhiều điều kiện để thương mại điện tử phát triển hiệu quả, nhưng tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng doanh thu của thị trường bán lẻ của Việt Nam mới đạt khoảng 2,8% - con số khá khiêm tốn so với mức trung bình của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 12,1%.
Công khai website bán hàng giả
Thời gian qua, những vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng gia tăng. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, khi mua hàng trên mạng, người tiêu dùng rất khó phân biệt giữa trang web bán hàng được cấp phép và chưa được cấp phép, giữa loại hàng có nguồn gốc rõ ràng và hàng giả, hàng nhái... Việc phát hiện, quản lý, xử lý những trường hợp này hết sức khó khăn, bởi các giao dịch mà sản phẩm là hàng giả, hàng nhái thường không có hóa đơn, chứng từ. Nhiều website, tài khoản giao dịch trên mạng xã hội chỉ là địa chỉ ảo, nên khó kiểm soát, xử lý khi có sai phạm.
Trước thực trạng nêu trên, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp chống nạn hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử. Được biết, Sở Công Thương đã đẩy mạnh ứng dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; ứng dụng mã hình QR in trên tem chống giả, tem xác thực và các loại tem tương tự nhằm chống gian lận thương mại.
Sở cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thực hiện giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử; các đối tượng kinh doanh mặt hàng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, vi phạm chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm như rượu, thuốc lá ngoại, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng,… trên môi trường mạng, kịp thời xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, về phía người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo, nên mua hàng tại những website uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin rõ ràng và tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ trước khi mua.
Sự phát triển của thương mại điện tử là xu hướng tất yếu, tuy nhiên chỉ có sự trung thực, biết giữ chữ tín, tôn trọng quyền lợi của khách hàng mới tạo nền tảng vững chắc cho tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tìm được chỗ đứng trên thị trường và phát triển bền vững.
PÔNG!!