Với dân số khoảng 97 triệu người, trong đó có khoảng 58 triệu người sử dụng internet, cùng sự phát triển nhanh của công nghệ, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong ASEAN.Đây chính là cơ hội để thu hút các nguồn vốn đầu tư vào khu vực kinh tế số. Tuy nhiên, có nhiều hạn chế về hạ tầng giao thông, niềm tin của người tiêu dùng, thói quen mua hàng trả tiền mặt... đang là những "rào cản" cho sự phát triển đột phá của thương mại điện tử Việt Nam.
Số người dám bỏ tiền ra mua hàng trực tuyến còn khiêm tốn và chỉ mua các sản phẩm, dịch vụ với số tiền nhỏ do chưa có niềm tin. Dịch vụ hoàn tất đơn hàng cũng là cản trở lớn cho thương mại điện tử với hạ tầng giao thông, logistics như hiện nay, nhất là tại các vùng miền núi Tây Bắc thì chi phí vận chuyển rất lớn, do các công ty chuyển phát mới chỉ hoạt động chủ yếu ở khu vực đô thị. Trong khi các ngân hàng đang ngày càng mở rộng cung cấp dịch vụ thanh toán khá tốt, nhưng số lượng người mua hàng thanh toán trực tuyến rất ít, chỉ chiếm khoảng 20% đơn hàng. Bên cạnh đó, rào cản chính sách đối với các dịch vụ kết nối, chia sẻ, dịch vụ mới cũng tạo khó khăn cho các công ty công nghệ tham gia kinh doanh ở thị trường Việt Nam.
Để tạo niềm tin thì thương mại điện tử phải có một chính sách an ninh rất tốt để bảo vệ người tiêu dùng khi có các tranh chấp trực tuyến xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay quyền lợi người tiêu dùng chưa được bảo vệ, khi họ mua một món đồ chi phí nhỏ, nhưng chi phí khiếu nại khi có tranh chấp lại lớn hơn.
Trong giai đoạn tới, giao dịch điện tử sẽ thâm nhập tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của hầu hết các bộ, ngành. Nhiều loại hình kinh doanh mới cũng sẽ xuất hiện. Vì vậy, để đón đầu sự phát triển này, các cấp có thẩm quyền cần sớm bổ sung các chính sách phù hợp để hỗ trợ, thúc đẩy các dịch vụ mới, dịch vụ ứng dụng công nghệ mới phát triển, cũng như có chính sách để thương mại điện tử xóa được khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.
PÔNG!!