Theo thống kê của Cục TMĐT và CNTT – Bộ Công Thương công bố tại buổi Hội thảo “Thương mại Điện tử xuyên biên giới - xu hướng và cơ hội” ngày 12/11, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 40 triệu người thường xuyên sử dụng internet, trong đó 85% người sử dụng internet bằng điện thoại thông minh, cùng với đó có 58% người đã mua hàng trực tuyến trên mạng.
Những con số ấn tượng trên đã phần nào nói lên được tiềm năng phát triển của TMĐT ở Việt Nam. Ông Kasuno - Cục trưởng Cục chính sách Thương mại và Thông tin Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho rằng: “TMĐT là chuỗi phân phối hàng hóa phát triển song hành cùng internet và TMĐT phát triển rất bền vững tại Nhật Bản. TMĐT có khả năng giúp ích rất nhiều cho những DN cả lớn lẫn nhỏ và người hưởng lợi nhất thường là khách hàng. Khách hàng sẽ mua được sản phẩm rẻ hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và thuận lợi hơn. Tôi cho rằng TMĐT là một trong những tập hợp con đầy thú vị của internet”.
Theo ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT, năm 2014, ở Việt Nam doanh số của TMĐT đạt 4 tỷ USD và dự báo trong những năm tới, thị trường TMĐT tăng trưởng ấn tượng trong 2 con số.
Tuy nhiên, thị trường TMĐT ở Việt Nam hiện nay phát triển chưa tương xứng so với các hình thức bán lẻ khác. Nhìn trên bình diện phát triển chung của thế giới về TMĐT, Việt Nam vẫn còn tụt hậu và cần rất nhiều việc phải làm. Hiện TMĐT ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập trong các vấn đề như: Phương thức thanh toán, kho vận, chất lượng hàng hóa, bảo mật thông tin…
Cũng theo ông Trần Hữu Linh, các DN ở Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Vì vậy, loại hình kinh doanh TMĐT là bước đi thích hợp để đưa sản phẩm ra thị trường, nhất là thị trường nước ngoài.
“Ví dụ, gần đây, một DN trồng hoa lan ở Củ Chi có trao đổi với tôi là muốn đưa các sản phẩm hoa lan sang thị trường Nhật Bản, nhưng hiện tại DN đó rất khó khăn để giới thiệu sản phẩm của mình do họ thiếu hỗ trợ các thủ tục pháp lý và bất đồng ngôn ngữ. Vì vậy tôi khuyên họ nên bán hàng qua các gian hàng điện tử và phải giới thiệu các sản phẩm bằng ngôn ngữ nước ngoài như tiếng Anh, tiếng Nhật…” – Ông Trần Hữu Linh cho biết.
Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới kho vận phục vụ cho TMĐT của nước ta còn nhiều yếu kém. Kinh doanh TMĐT là tận dụng về mặt thời gian giao hàng một cách nhanh nhất nhưng sản phẩm đến tay khách hàng có khi mất từ 7-10 ngày. Sở dĩ có sự chậm trễ như vậy là vì hệ thống kho vận của chúng ta chủ yếu tập trung ở thành phố lớn như: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài yếu tố kho vận, vấn đề pháp lý như thủ tục thông quan, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và các sản phẩm văn hóa từ nước ngoài khi vào Việt Nam còn phải thông qua kiểm duyệt của ngành văn hóa.
Cùng với đó, các DN kinh doanh TMĐT như Tiki.vn, 5giay.vn… cho rằng, hiện tại ở Việt Nam kinh doanh TMĐT chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Ngoài vướng mắc về chính sách pháp lý, văn hóa tiêu dùng ở Việt Nam thường là “tiền trao cháo múc”, tức là thanh toán bằng tiền mặt là chủ yếu, do đó hình thức kinh doanh này gây khó khăn cho DN. Vì khi mang hàng tới tay khách hàng, họ có thể đổi ý không mua sản phẩm. Còn hình thức thanh toán bằng hệ thống thanh toán điện tử lại gặp rủi ro đối với khách hàng, vì rất nhiều DN kinh doanh TMĐT ở nước ta làm ăn kiểu “chụp giật”, không đặt “chữ tín” lên hàng đầu nên sản phẩm đến tay người tiêu dùng không đúng như với những gì thông tin sản phẩm đăng trên gian hàng điện tử.
Để giải quyết những yếu tố kìm hãm TMĐT phát triển ở Việt Nam, các chuyên gia và DN kinh doanh TMĐT Nhật Bản đã đưa ra các giải pháp thúc đẩy TMĐT ở Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Đó là cần phải cải cách về chính sách pháp lý, cần sớm xây dựng Bộ luật về TMĐT để từ đó có những điều chỉnh về các vi phạm kinh doanh TMĐT. Đi kèm với xây dựng chính sách pháp luật, các DN TMĐT Việt Nam cần đào tạo đội ngũ nhân viên kinh doanh TMĐT một cách chuyên nghiệp, luôn đề cao “chữ tín”.
PÔNG!!