Báo cáo mới nhất của Savills cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang có sự thay đổi về hành vi tiêu dùng trong năm 2017-2018 so với hai năm trước đó. Một trong những tác nhân quan trọng là sự xuất hiện của cơn lốc mua sắm trực tuyến.
Nhu cầu mua sắm thay đổi đáng kể khi các quầy hàng thời trang và đồ gia dụng không duy trì được sức hút đối với người tiêu dùng tới trung tâm thương mại. Đây cũng là kết quả khi mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển trong thời gian gần đây.
Dù dịch vụ thương mại điện tử ở Việt Nam được đánh giá đang phát triển ở giai đoạn đầu nhưng tiềm năng và tốc độ bứt phá của mô hình này đang gia tăng mạnh mẽ. Ngành bán lẻ vì vậy cũng trải qua quá trình biến chuyển và tiến hóa cùng cơn lốc mua sắm trực tuyến. Hành vi tiêu dùng của khách hàng đang thay đổi từng ngày.
Với số dân 100 triệu người đa phần trong độ tuổi trẻ, Việt Nam nhiều năm liền nằm trong nhóm thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Theo A.T. Kearney, Việt Nam xếp thứ 6 trong chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) vào năm 2017.
Vietnam Report cũng nhận định, Việt Nam là một thị trường bán lẻ sáng giá bậc nhất châu Á khi tổng giá trị thị trường bán lẻ đạt khoảng 120 tỷ USD trong năm 2017, ước tính đạt 160 tỷ USD vào năm 2020. Đây cũng là tín hiệu khả quan cho sự tăng trưởng của làn sóng bán lẻ trực tuyến mới.
Theo Bộ Công Thương mức tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam khoảng 25% và có thể được duy trì từ nay đến 2020. Trong 4 năm tới, quy mô thị trường được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD.
Dễ hiểu các quỹ đầu tư và tập đoàn nước ngoài tích cực mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư cho các sàn và các trang website thương mại điện tử trong nước khiến thị trường này ngày càng sôi động.
Thương mại điện tử Việt Nam cũng đang chứng kiến sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư đến từ các quốc gia châu Á khác bằng cách đầu tư hàng chục triệu đôla vào các sàn thương mại điện tử Việt.
Sự lớn mạnh của thương mại điện tử khiến một tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam không thể ngồi yên. Họ cũng dồn vốn vào các trang thương mại điện tử riêng mình nhằm đẩy mạnh kênh trực tuyến.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, thị trường sẽ còn có dịp chứng kiến nhiều những mô hình bán lẻ mới, với những tiện ích hiện đại phục vụ tối đa nhu cầu trải nghiệm, giải trí lẫn sáng tạo. Cùng với sự bứt phá không ngừng của thương mại điện tử được tích hợp công nghệ thông minh, thị trường bán lẻ sẽ tiếp tục có nhiều bước tiến hóa hướng đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng Việt.
PÔNG!!