Nhằm quản lý và thu thuế với hoạt động TMĐT một cách hiệu quả hơn, mới đây, Bộ Tài chính vừa đưa ra Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trong đó có đề xuất: “Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử bắt buộc phải thanh toán thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (ngân hàng), hoặc dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép, theo quy định của pháp luật”.
Bộ Tài chính lý giải, hoạt động TMĐT ở Việt Nam phát triển mạnh những năm gần đây. Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo thông qua các phương tiện như phát sóng truyền hình, các Website TMĐT, sàn giao dịch TMĐT, các mạng xã hội của nước ngoài ngày càng nở rộ. Do sự phát triển của TMĐT là một xu thế tất yếu, nên để quản lý thuế đối với hoạt động này, ngoài sự chủ động vào cuộc của cơ quan thuế, cũng cần sự phối hợp của các Bộ, Ngành có liên quan.
Thừa nhận, các giao dịch thương mại được thanh toán qua ngân hàng thì việc quản lý và thu thuế sẽ được triển khai dễ dàng hơn. Vì thế, không chỉ TMĐT mà các hình thức kinh doanh thương mại khác cũng đều được khuyến khích tiêu dùng bằng thanh toán qua ngân hàng, tức là thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhìn rộng ra một chút, tại các thị trường phát triển thì thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang trở thành thói quen của tất cả mọi người. Tại Anh, Mỹ, Pháp, Singapore…, người dân các nước này chủ yếu sử dụng thanh toán qua ngân hàng để chi trả cho dịch vụ mình sử dụng mà không cần có bất kỳ quy định pháp lý nào của Nhà nước yêu cầu họ làm như vậy.
Ở những quốc gia này dường như hoạt động TMĐT đã thành một “mạch máu” của nền kinh tế. Tại đó, cơ quan quản lý, cũng như người sử dụng dịch vụ, người tiêu dùng đều tìm thấy ở nhau một “nền tảng” chung để hợp tác, phát triển.
Theo đó, người tiêu dùng thấy được tiện ích của thanh toán qua ngân hàng không dùng tiền mặt. Còn, uy tín của người bán hàng, uy tín của các trang bán hàng trực tuyến tại các quốc gia này cũng ở mức cao. Nhà nước cũng bảo vệ tuyệt đối người tiêu dùng với các hành vi lừa đảo.
Tại Việt Nam, TMĐT đang được coi là “mỏ vàng” ở Đông Nam Á khi có mức tăng trưởng thần kỳ trong những năm gần đây. Trong Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2018 được công bố mới đây, Hiệp hội TMĐT Việt Nam nhận định từ năm 2018 TMĐT Việt Nam chuyển sang giai đoạn thứ ba với tốc độ phát triển nhanh và ổn định
Tuy nhiên, sự đóng góp nghĩa vụ của ngành này cho ngân sách lại được nhiều chuyên gia kinh tế - pháp lý nhận định: Hiện TMĐT vẫn còn một “vùng tối” pháp lý với rất nhiều khó khăn, cả về phía cơ quan thuế lẫn người kinh doanh TMĐT. Điều này càng khẳng định sự loay hoay, kém chuyên nghiệp trong hoạt động quản lý thuế đối với TMĐT của Bộ Tài chính.
Thực tế cho thấy, với sự phát triển nhanh của kỹ thuật công nghệ, hoạt động TMĐT được thực hiện qua các phương tiện công nghệ thông tin như: Điện thoại di động, máy tính, có thể phát sinh mọi lúc, mọi nơi, không giống như hình thức kinh doanh truyền thống (có cửa hàng, địa chỉ DN...).
Phần lớn, các giao dịch TMĐT có những đặc điểm ảo, khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, tính rộng lớn, tính quốc tế, dễ dàng xóa bỏ, thay đổi… Nên, việc phát hiện các hành vi gian lận về thuế của cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh TMĐT như Tiki.vn, Sendo.vn, Facebook, Google, Uber… đang là bài toán khó với các ngành chức năng.
Và để thắp sáng “vùng tối” trong chính sách quản lý thuế đối với TMĐT, thì việc Bộ Tài chính đưa ra đề xuất trên trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là cần thiết. Cách thức thanh toán như đề xuất có thể sẽ rất hợp mong muốn các trang TMĐT tại Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, để làm được điều này, công tác quản lý đối với hoạt động TMĐT đòi hỏi cán bộ quản lý nói chung và cán bộ thuế nói riêng phải “tinh”, phải tường tận nghiệp vụ cả về chuyên ngành thuế, kinh tế, công nghệ thông tin, ngoại ngữ… Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để giải quyết bài toán quản lý TMĐT thời 4.0.
PÔNG!!