Giới kinh doanh cho rằng, thực ra kết nối bán hàng trong thương mại điện tử xuyên biên giới không khó. Khó ở đây chính là làm sao để người tiêu dùng các nước lựa chọn và tin dùng. Doanh nghiệp (DN) cần nắm bắt được xu hướng tiêu dùng cũng như có sự đầu tư kỹ lưỡng về chất lượng trước khi đưa sản phẩm lên sàn giao dịch xuyên biên giới.
Ông Nguyễn Kỳ Minh - Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay, có hai xu thế phát triển kinh doanh trực tuyến hiệu quả mà DN cần nắm chắc.
Xu hướng thứ nhất, người tiêu dùng với thiết bị di động để tìm kiếm các sản phẩm muốn mua trên các sàn giao dịch bằng giọng nói hoặc hình ảnh, thay vì cách truyền thống trước đây là gõ sản phẩm muốn tìm trên Internet.
Xu hướng thứ hai là “platform” - có nghĩa là hệ thống nền tảng hỗ trợ tốt hơn cho kinh doanh và đi vào các platform khác nhau...Người tiêu dùng muốn mua bất kỳ sản phẩm gì có thể truy cập một platform nổi tiếng trên sàn giao dịch xuyên biến giới để tìm kiếm.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thống kê những năm qua cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến có tốc độ tăng trưởng ổn định, xu hướng tăng dần đều trên 20%/năm. Năm 2013 doanh thu đạt 2,2 tỷ USD nhưng đến năm 2017 doanh thu đã đạt 6,2 tỷ USD. Theo thống kê, thương mại điện tử xuyên biên giới là một xu hướng toàn cầu với mức tăng trưởng từ 20 - 30%/năm và doanh số đạt hàng nghìn tỷ USD. Đây được xác định là “sân chơi” với nhiều cơ hội và cả thách thức.
Ông Park Joonmo - Đại diện Amazon khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc, khẳng định rằng rất nhiều sản phẩm của Việt Nam như phin pha cafe, dầu Sao vàng, cafe Trung Nguyên... đã được người tiêu dùng thế giới biết đến nhờ bán hàng thương mại điện tử xuyên biên giới. Để bán hàng thương mại điện tử xuyên biên giới, DN Việt chỉ cần tập trung vào chất lượng và tiếp thị sao cho người tiêu dùng tin tưởng.
Hiện nay có nhiều trang thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển trên diện rộng, hứa hẹn nhiều cơ hội. Tuy nhiên, với hình thức kinh doanh không biên giới như hiện nay, nhiều doanh nghiệp chia sẻ khó khăn về ngôn ngữ trong hoạt động giao dịch. Giới kinh doanh cho rằng, thực ra kết nối bán hàng trên thương mại điện tử xuyên biên giới không khó. Khó ở đây chính là làm sao để người tiêu dùng các nước lựa chọn và tin dùng.
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng: “Hàng hoá Việt Nam hoàn toàn có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế vì chất lượng hàng hóa Việt ngày càng được nâng cao. Quan trọng nhất, DN phải biết khai thác đúng thế mạnh của mình và tận dụng sàn giao dịch thương mại điện tử của các nước để kinh doanh hiệu quả”.
PÔNG!!