Xu hướng thương mại điện tử dựa trên nền tảng di động (Mobile Commerce hay M-Commerce), còn gọi là thương mại di động, sẽ phổ biến hơn ở Việt Nam trong năm 2019 này.
Có hai lý do: một là nền tảng kinh doanh di động chứng minh được tính hữu ích của chúng khi lượng người sử dụng ngày càng nhiều hơn. Các doanh nghiệp đang xoay theo hướng này để chuyển đổi, xây dựng mới hoặc tối ưu hóa các trang web thương mại của doanh nghiệp sao cho phù hợp với thiết bị di động. Hai là giới trẻ ngày nay có thói quen kết nối Internet, sử dụng điện thoại, máy tính bảng để xem hàng, mua hàng và ít tới cửa hàng bán lẻ… nên việc đầu tư kênh bán hàng di động sẽ tỏ ra hiệu quả hơn.
Chưa mạnh dạn đầu tư
Ông Pine Kyaw, Giám đốc Shopee Việt Nam, từ giữa năm ngoái 2018 đã từng nhận định rằng thương mại di động sẽ là một xu thế tất yếu khi các công nghệ về ứng dụng di động phát triển, điện thoại thông minh ngày càng có màn hình lớn hơn, chế độ bảo mật tốt hơn… Thêm vào đó, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Pinterest… cũng đã bổ sung các nút “thích”, “mua”… như một cách cổ vũ người sử dụng mua sắm nhiều hơn, thoải mái hơn khi họ đang lướt Internet. Người ta cũng nhận ra là đang dành nhiều thời gian hơn trên chiếc điện thoại thông minh và quen dần với các thao tác “chạm” để xem, để mua sắm. Điện thoại thông minh vô hình trung trở thành công cụ cũng là môi trường di động truyền tải thông tin đến người tiêu dùng một cách nhanh chóng hơn so với trên các thiết bị cố định, như máy tính cá nhân.
Dầu vậy, doanh nghiệp Việt Nam còn lưỡng lự với việc đầu tư cho xu hướng thương mại di động này trong khi chứng kiến sự tăng trưởng không dừng của lượng người sử dụng điện thoại thông minh trong nước.
Bản báo cáo Chỉ số TMĐT năm 2018, do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) thực hiện, cho thấy trong số các doanh nghiệp có trang web phiên bản di động (mobile web) hoặc ứng dụng bán hàng (mobile apps), có 42% số doanh nghiệp đã cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên thiết bị di động, 29% có triển khai chương trình khuyến mại dành riêng cho khách hàng sử dụng thiết bị di động để mua hàng hóa và 47% số doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động. Những số liệu này (của năm 2017), theo VECOM, là “hầu như không thay đổi so với năm 2016”. Dựa trên kết quả khảo sát năm 2017, xu hướng thương mại di động đang có vẻ chững lại với tỷ lệ trang web tương thích với thiết bị di động không tăng, chiếm 17% số doanh nghiệp được khảo sát, giảm 2% so với năm 2016 và giảm tới 9% so với năm 2015, theo bản báo cáo nói trên.
VECOM giải thích: “Có thể nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực TMĐT chưa thực sự thấy hiệu quả từ nền tảng thương mại di động và hiện tại nhu cầu mua sắm trên nền tảng di động chỉ phù hợp với những thành phố phát triển như Hà Nội và TPHCM, còn xét trên tổng thể trên toàn quốc thì mức độ phát triển chưa cao và chưa đồng đều”.
Nhiều hệ lụy
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch VECOM, cho rằng các doanh nghiệp cần bám sát những xu hướng thương mại di động mới nhất để giữ vững lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh.
Nếu doanh nghiệp chịu đầu tư theo hướng thương mại di động, như làm cho trang web tương thích với thiết bị di động, thì trang web bán hàng TMĐT hoặc sàn TMĐT của họ sẽ tiếp cận được khách hàng thuận lợi hơn, qua đó giúp tăng khả năng cạnh tranh. Ngược lại, nếu doanh nghiệp không chịu đầu tư cho xu hướng thương mại di động, tích cực gia tăng tỷ lệ chuyển đổi trên di động… sẽ “làm rơi rớt” một số lượng không nhỏ khách hàng tiềm năng – những người có thói quen truy cập Internet bằng máy tính bảng, điện thoại thông minh.
Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng giám đốc Sapo – công ty sở hữu nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh có cùng tên, cho rằng nhiều doanh nghiệp đang đánh mất doanh số bán hàng chỉ vì chưa chú trọng tới việc cải thiện sự trải nghiệm mua sắm của khách hàng, làm qua quýt khâu tối ưu hóa việc chuyển đổi trên di động. Để làm được việc này, doanh nghiệp cần phải thấu hiểu hành vi của người tiêu dùng, áp dụng công nghệ di động mới để gia tăng việc tiếp thị, quảng cáo đúng đối tượng và bán hàng được hiệu quả.
Những kết quả thực tế nhờ chú trọng vào thương mại di động cũng được ghi nhận trong bản đồ thương mại điện tử 2018 mới nhất của iPrice về thứ hạng của các doanh nghiệp TMĐT hàng đầu tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp có đầu tư vào kênh bán hàng di động đang xếp thứ hạng cao. Có thể kể ra một số tên tuổi quen thuộc như Shopee, Thế giới di động, Lazada, Tiki, Sen Đỏ (tức Sendo)… Ví dụ thứ hạng trên kho ứng dụng iOS và Android của Shopee đều đứng vị trí thứ nhất; Lazada xếp vị trí thứ hai; Sendo đứng vị trí thứ ba.
Ưu tiên đầu tư cho di động
Theo số liệu từ bộ phận đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam ở sự kiện Mobile Ecommerce Day 2018, có 91% số dân ở sáu thành phố lớn nhất Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh trong năm 2016 và mức độ người tiêu dùng phụ thuộc các thiết bị thông minh để mua sắm đang gia tăng.
Theo thống kê số lượt truy cập trên hệ thống hơn 33.000 trang web khách hàng của Sapo Web năm 2018, có tới hơn 60% số lượt truy cập vào trang web là từ thiết bị di động, tăng 5% so với năm 2017. Còn ở Lazada, số lượng người mua sắm qua ứng dụng di động (mobile apps) của Lazada đến cuối năm 2018 đã tăng 60% so với hồi đầu năm và số lượng đơn hàng từ ứng dụng di động chiếm 70% tổng đơn hàng của Lazada. Ngoài ra, theo sự ghi nhận của các công ty nghiên cứu thị trường, khoảng 70% lượng thời gian trực tuyến của người tiêu dùng là qua thiết bị di động và cứ hai lần mua sắm trực tuyến thì có một lần đặt qua điện thoại. Đồng thời, người tiêu dùng vẫn duy trì thói quen xem hàng trên di động, đặt mua hàng trên máy tính vì quá trình thanh toán rõ ràng hơn (có lẻ do màn hình to hơn). Do đó, nếu nền tảng thanh toán trên di động làm tốt hơn nữa trong thời gian tới, số lượng khách hàng chuyển qua mua sắm qua di động có khả năng tăng nhanh so với hiện nay.
iPrice cũng cho biết các doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam có tỷ lệ chuyển đổi lượt truy cập các trang web TMĐT thành đơn hàng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với 65%, tiếp đến là Singapore và Indonesia. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có tỷ lệ chuyển đổi trung bình đơn hàng trên máy tính để bàn cao hơn gấp 1,7 lần so với thiết bị di động nhưng giá trị giỏ hàng của đơn hàng trên máy tính cao hơn trên điện thoại, với mức chênh lệch là 8-20%.
Tóm lại, việc “chốt” đơn hàng trên máy tính tại thị trường Việt Nam vẫn đang cao hơn so với bấm nút mua hàng trực tiếp trên di động. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến cho các doanh nghiệp TMĐT do dự khi đầu tư vào kênh thương mại di động ở thời điểm hiện tại. Nhưng, xu hướng thương mại di động vẫn cứ tiến tới, các doanh nghiệp TMĐT vẫn phải tham gia cuộc chơi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau khi các đối thủ giới thiệu các ứng dụng di động để thu hút khách hàng. Đặc biệt là khi thế hệ Z – những người sinh từ năm 1995 trở về sau và thích mua hàng trực tuyến – đang từng bước trở thành đối tượng khách hàng quan trọng của các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.
PÔNG!!