Kỹ năng thương mại điện tử còn yếu
Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, thông tin gạo thơm Jasmine và trái cây nhiệt đới của Thái Lan như sầu riêng sẽ được bán trên các trang TMĐT của Alibaba, đã thu hút nhiều sự quan tâm. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Alibaba còn đào tạo cho cá nhân, DN của Thái Lan về cách thức sử dụng hiệu quả các trang TMĐT để bán hàng.
Theo chia sẻ của ông Tony Yin, đại diện của Alibaba, mới đây trang TMĐT này đã tập huấn cho 1.200 sinh viên và 300 DN Thái Lan về những nội dung này. Cũng theo ông Yin, để có thể thành công khi bán hàng xuyên biên giới phải có nhân lực hiểu về TMĐT, trong khi đây cũng chính là băn khoăn của nhiều DN Việt Nam.
Về vấn đề này, ông Tony Yin, chia sẻ thêm, để bán hàng xuyên biên giới thành công, cần có nhiều kiến thức cũng như một số bí quyết DN cần lưu tâm: Chú trọng đến hình ảnh của sản phẩm sao cho hấp dẫn nhất, thông qua việc đầu tư nghiêm túc cho việc chụp ảnh hay quay video.
Bán hàng trên các trang TMĐT lớn cần biết cách kể câu chuyện sản phẩm của mình sao cho hấp dẫn nhất, chạm đến cảm xúc của người mua. Đặc biệt, khi đã chọn cách thức bán hàng này một nguyên tắc không thể quên đó là phân công người để làm việc liên tục, đừng chỉ dựa vào múi giờ của quốc gia mình, vì khi ấy có thể bỏ lỡ những đơn hàng đến từ khách tại các quốc gia khác.
Có thể thấy, việc ra đời của các sàn TMĐT lớn như Alibaba hay Amazon… đang thay đổi cách thức giao thương trên toàn cầu. Từ hình thức chủ yếu là B2B (DN với DN) đang dần chuyển sang hình thức B2C (DN với khách hàng cá nhân). Giá trị đơn hàng của DN có thể nhỏ đi, nhưng ngược lại họ lại có cơ hội tiếp cận số lượng khách hàng cá nhân lớn trên toàn cầu. Quan trọng hơn, nhất là DN nhỏ, siêu nhỏ cũng không mất nhiều chi phí đầu tư khi muốn đưa sản phẩm của mình ra các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Thay đổi tư duy lãnh đạo
Dễ thấy bên cạnh việc cử nhân viên đi học để hiểu hơn về TMĐT, một yếu tố mấu chốt quyết định việc tận dụng thành công công cụ này là thay đổi tư duy của người lãnh đạo.
Thường những buổi hội thảo tổ chức DN cử người đến nghe cho có rồi về. Thông tin không thiếu, quan trọng DN có muốn tiếp nhận hay không. Vị đại diện này cũng cho biết trong những tháng tới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức thêm nhiều chương trình về TMĐT, cụ thể với từng sàn TMĐT lớn, chia sẻ cách thức làm sao đăng ký, bán hàng… hy vọng nhiều chủ DN quan tâm.
Để các DN thực sự thay đổi cách nhìn, tận dụng tốt hiệu quả từ TMĐT, cách tốt nhất là cho họ thấy những DN đã thành công trong việc này. Bà Hồ Thị Tố Uyên, Cục TMĐT và kinh tế số, nhắc lại chuyện những nồi cá kho làng Vũ Đại của ông nông dân Trần Luận.
Nhờ việc hình thành website và đưa thông tin sản phẩm lên internet, đến nay cơ sở này đã tiêu thụ 30.000 tấn cá và thu lãi 5 tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ có mặt tại nhiều tỉnh thành trong nước, cá kho Trần Luận còn có mặt ở 12 nước châu Á và châu Âu.
Ngoài ra DN còn được google hỗ trợ trong sự kiện “hỗ trợ DN nhỏ có thành công lớn”. Chưa hết, tận dụng sự nổi tiếng của sản phẩm cá kho làng Vũ Đại, DN cũng thông qua TMĐT để phát triển thêm mảng du lịch… Điều này đã cho thấy nếu tận dụng tốt TMĐT, DN nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh đều có thể bay xa.
Còn không ít những câu chuyện thành công khác của các DN, cá nhân khi tận dụng TMĐT xuyên biên giới. Hy vọng các DN khác của Việt Nam sẽ tận dụng môi trường mạng để đi xa hơn với chi phí ít tốn kém hơn.
PÔNG!!